Xã hội ngày càng phát triển mọi người phải đối mặt với nhiều áp lực trong học tập, công việc và gia đình khiến tỷ lệ người bệnh rối loạn giấc ngủ tăng lên nhanh chóng. Rối loạn giấc ngủ nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh. Vậy rối loạn giấc ngủ là gì?
1. Rối loạn giấc ngủ là gì?
Rối loạn giấc ngủlà tình trạng thay đổi chất lượng và thời gian giấc ngủ bất thường gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nhiều người từng gặp phải tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ ít hoặc thức giấc giữa đêm nhưng nếu không kéo dài và xuất phát từ nguyên nhân bên ngoài như ánh sáng mạnh, tiếng ồn, chất kích thích thì không được gọi là rối loạn giấc ngủ.
Tình trạng rối loạn giấc ngủ đang gia tăng nhanh trên thế giới, không chỉ thấy ở những người lớn tuổi mà những năm gần đây xã hội phát triển con người chịu nhiều áp lực khiến người trẻ cũng dần xuất hiện chứng mất ngủ.
Một người trong độ tuổi trưởng thành cần 7-8 giờ dành cho việc ngủ mỗi ngày, giấc ngủ cần đủ sâu, liền mạch và khi tỉnh giấc có cảm giác thoải mái, sảng khoái.
Rối loạn giấc ngủ nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh với những triệu chứng sau:
Khó đi vào giấc ngủ
Thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm
Cảm giác mệt mỏi vào ban ngày và muốn có những giấc ngủ ngắn giữa ngày
Thói quen và lịch trình ngủ - thức thay đổi bất thường
Thiếu sự tập trung, tâm trạng cáu kỉnh và lo lắng bất thường.
Tùy từng bệnh nhân mà có thể biểu hiện bởi những tình trạng khác nhau như khó đi vào giấc ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, thức dậy sớm hoặc có thể có cảm giác thiếu ngủ hoàn toàn. Tỷ lệ người bệnh rối loạn giấc ngủ chiếm khoảng 10-15% dân số, trong đó mất ngủ tạm thời chiếm tỷ lệ cao nhất. Tỷ lệ mất ngủ tăng dần theo tuổi và tỷ lệ phụ nữ gấp 2 lần nam giới.
Mất ngủ tạm thời: Mất ngủ xuất hiện vài đêm hoặc trong thời gian ngắn một vài tuần ở những người bình thường. Mất ngủ tạm thời là rối loạn giấc ngủ thường gặp nhất, chiếm 30 - 40% dân số.
Mất ngủ thứ phát do bệnh tâm thần: Tất cả những trường hợp bệnh nhân rối loạn tâm thần đều có thể đưa đến mất ngủ.
Rối loạn trầm cảm: Mất ngủ vào sáng sớm, thức dậy vào lúc 3-4 giờ sáng.
Rối loạn lo âu: Khó đi vào giai đoạn ru giấc ngủ.
Mất ngủ hoàn toàn do cơn hưng cảm, trạng thái hoang tưởng và lú lẫn: Người bệnh rối loạn chu kỳ thức - ngủ và thường đưa đến trạng thái kích thích ban đêm.
Mất ngủ mãn tính: Một số bệnh nhân rối loạn nhân cách, nghiện ngập thường dẫn đến tình trạng mất ngủ mãn tính.
Mất ngủ thứ phát do nguyên nhân thực thể: Rất nhiều bệnh lý tổn thương thực thể có thể đưa đến tình trạng mất ngủ, bao gồm:
Bệnh lý đau cấp và mãn tính như đau trong bệnh viêm khớp thường gia tăng vào ban đêm.
Bệnh lý đường tiêu hóa như loét dạ dày - tá tràng.
Bệnh lý tiết niệu như u tiền liệt tuyến, nhiễm trùng đường tiết niệu.
Bệnh lý nội tiết như đái tháo đường, cường giáp.
Bệnh lý tim mạch và hô hấp như suy tim, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản.
Bệnh lý thần kinh như Parkinson, Alzheimer, tai biến mạch máu não.
Mất ngủ mãn tính tiên phát: Loại rối loạn giấc ngủ này tập hợp phần lớn những trường hợp mất ngủ mà không thấy bất cứ nguyên nhân cụ thể về bệnh tâm thần hay bệnh lý thực thể nào. Biểu hiện duy nhất của người bệnh là mất ngủ.
2.2. Rối loạn tỉnh táo và ngủ nhiều
Rối loạn giấc ngủ này liên quan đến số lượng và chất lượng của trạng thái tỉnh táo trong ngày biểu hiện như ngủ nhiều, buồn ngủ và ngủ gà ngủ gật. Trái người với tình trạng mất ngủ, những rối loạn tỉnh táo này thường không được nhận biết và quan tâm đến gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị.
Hội chứng ngưng thở trong ngủ: Trong lúc đang ngủ bệnh nhân ngừng thở vài phút. tình trạng này lặp lại khoảng 5 lần trong 1 giờ. Trong lúc ngừng thở bệnh nhân sẽ ngáy lớn lên rồi ngưng thở, lặp đi lặp lại sau đó là giấc ngủ rất ngắn. Bệnh nhân không nhận biết được tình trạng này và sau đó lại thở lại một cách rất ồn ào. Bệnh nhân có biểu hiện đi tiểu nhiều lần trong đêm, gặp ác mộng, đau đầu, mệt mỏi, mất tập trung và hay quên vào ban ngày. Hội chứng ngưng thở khi ngủ thường gặp ở nam giới béo phì trên 50 tuổi.
Ngủ nhiều do thiếu ngủ: Tình trạng thiếu ngủ thường liên quan đến những bệnh nhân làm việc nhiều, làm việc ban đêm, trực gác, mới sinh con. Bệnh nhân có biểu hiện như ngủ li bì khó thức dậy, ngủ gật trong ngày, giảm hiệu suất làm việc, khó tập trung chú ý, bồn chồn, dễ cáu giận và mệt mỏi.
Ngủ nhiều do thuốc: Một số thuốc có tác dụng gây ngủ nhiều như thuốc hướng thần, thuốc ngủ, thuốc giải lo âu có thời gian bán hủy dài, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc điều chỉnh khí sắc, thuốc chống động kinh, thuốc kháng dị ứng và thuốc giãn cơ.
Chứng ngủ rũ: Tình trạng này thường gặp ở nam giới tuổi vị thành niên với 4 triệu chứng phối hợp bao gồm những cơn ngủ gà trong ngày, những cơn mất trương lực cơ bất chợt kéo dài trong một thời gian ngắn, ảo giác thị giác và biểu hiện liệt trong giấc ngủ đặc trưng bởi sự mất hoàn toàn mọi cử động cơ bắp.
Ngủ nhiều vô căn: Tình trạng một giấc ngủ ban đêm dài bất thường và rất khó khăn để thức dậy vào buổi sáng. Sau giấc ngủ ban đêm và giấc ngủ trưa bệnh nhân không phục hồi được sức khỏe. Tình trạng này thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên hay tuổi trưởng thành.
3. Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ là gì?
Các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn có thể là nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn giấc ngủ. Một số nguyên nhân gây rối loạn thường gặp, bao gồm:
Đang gặp các tình trạng bệnh lý: Bệnh nhân mắc các bệnh lý như dị ứng, cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp hay các vấn đề về hô hấp thường bị khó thở vào ban đêm và không thể thở bằng mũi là một trong những nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, các bệnh lý tim mạch, hô hấp và tiêu hóa cũng khiến bệnh nhân khó đi vào giấc ngủ hơn và không thể ngủ sâu giấc.
Đi tiểu thường xuyên: Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ có thể do bệnh nhân uống nhiều nước, trà hoặc cà phê trước khi đi ngủ dẫn đến tình trạng tiểu đêm, thức dậy đi tiểu nhiều lần làm gián đoạn giấc ngủ. Bên cạnh đó, những bệnh nhân mất cân bằng nội tiết tố, mắc các bệnh lý đường tiết niệu cũng có thể dẫn đến tình trạng tiểu đêm gây rối loạn giấc ngủ.
Các cơn đau mãn tính: Những cơn đau liên tục có thể khiến bệnh nhân khó đi vào giấc ngủ và thậm chí đánh thức người bệnh giữa đêm. Một số nguyên nhân gây ra các cơn đau mãn tính như viêm khớp, đau nửa đầu, đau lưng, đau xơ cơ. Một số trường hợp cơn đau mãn tính có thể trầm trọng hơn do rối loạn giấc ngủ như bệnh nhân bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc cũng làm tăng nguy cơ bị đau nửa đầu.
Các rối loạn tâm thần: Các bệnh lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn nhân cách, hoang tưởng, lú lẫn có thể ảnh hưởng đến cảm giác buồn ngủ.
Trạng thái căng thẳng và lo lắng: Khi bệnh nhân thường xuyên căng thẳng và lo lắng về công việc, học tập, tài chính hoặc các vấn đề gia đình sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ như khó đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ được.
Thay đổi lịch làm việc và du lịch: Người bệnh thay đổi ca làm việc thường xuyên, thường xuyên đi công tác lệch múi giờ có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Thói quen ngủ không đúng giấc: Bệnh nhân ngủ không đúng giờ, thường xuyên ngủ muộn hay có các hoạt động kích thích trước khi ngủ như xem tivi, máy tính, chơi game.
Ăn quá no trước khi đi ngủ cũng là một trong những nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ do dạ dày phải làm việc liên tục và khó chịu khi nằm.
Sử dụng các chất kích thích: Uống trà, cà phê và các đồ uống có chứa cafein có thể cản trở giấc ngủ. Rượu có tác dụng giúp người bệnh đi vào giấc ngủ nhưng lại ngăn chặn các giai đoạn sâu hơn của giấc ngủ khiến bạn thức giấc giữa đêm.
Di truyền: Nếu thành viên trong gia đình như bố mẹ, anh chị em ruột bị rối loạn giấc ngủ thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.
Mất ngủ ở người lớn tuổi do những thay đổi trong hoạt động, hình thái ngủ, đau mạn tính và thay đổi về sức khỏe.
4. Điều trị bệnh rối loạn giấc ngủ
Để khắc phục tình trạng rối loạn giấc ngủ người bệnh nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra, phân loại rối loạn giấc ngủ và nguyên nhân gây bệnh. Qua đó, bác sĩ sẽ cân nhắc các phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Người bệnh rối loạn giấc ngủ cũng có thể áp dụng một số biện pháp giúp dễ ngủ và ngủ sâu giấc hơn, bao gồm:
Thư giãn và dùng các loại trà thảo mộc có tác dụng hỗ trợ ngủ ngon hơn.
Ngâm chân hoặc tắm với nước ấm trước khi đi ngủ khoảng 30 phút.
Massage cơ thể.
Tập thể dục 30 phút mỗi ngày.
Giữ không gian ngủ yên tĩnh, hạn chế ánh sáng và nhiệt độ vừa phải không quá lạnh cũng không quá nóng.
Bổ sung thực phẩm chức năng có chứa Nicotinamide Mononucleotide (NMN). Nicotinamide Mononucleotide có tác dụng giảm tác hại của các gốc tự do trong tế bào não từ đó chống lại sự thoái hóa thần kinh. Người bệnh có thể cải thiện giấc ngủ, tăng khả năng nhận thức, trí nhớ và khơi dậy khả năng sáng tạo bằng cách cải thiện giao tiếp giữa các tế bào thần kinh. Ngoài ra, Nicotinamide Mononucleotide còn giúp ổn định tâm trạng, chống stress, chống trầm cảm và chống suy nhược thần kinh.
Phòng tránh rối loạn giấc ngủ bằng việc thay đổi một số thói quen sinh hoạt hàng ngày, bao gồm:
Sử dụng nút bịt tai lúc ngủ hoặc dùng các thiết bị cách âm dán tường nếu thường tỉnh giấc giữa đêm vì tiếng ồn. Dùng rèm che hoặc đeo mắt ngủ tránh ánh sáng ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Đi ngủ ngay khi mệt mỏi.
Luôn suy nghĩ tích cực: Giữ tâm lý thoải mái, không lo âu và không muộn phiền trước khi đi ngủ bằng cách tập danh sách những việc cần làm cho ngày hôm sau. Tránh đi ngủ với các suy nghĩ tiêu cực trong đầu hoặc quá lo lắng về việc nào đó.
Tránh làm việc khác trên giường: Người bệnh không nên xem tivi, ăn uống, làm việc hay sử dụng máy vi tính trên giường ngủ. Hạn chế kích thích thần kinh gây khó ngủ như nghe nhạc quá to, xem phim hành động.
Hình thành thói quen ngủ lành mạnh: Thiết lập giờ đi ngủ và thức dậy đều đặn, đảm bảo ngủ đủ 7-8 giờ mỗi ngày. Nên dành 30 phút để thư giãn tinh thần trước khi đi ngủ bằng các phương pháp như tắm nước ấm, nghe nhạc nhẹ hoặc đọc sách.
Hạn chế xem đồng hồ: Khi không ngủ được trong vòng 20 phút bạn nên ra khỏi phòng ngủ và tham gia một hoạt động thư giãn nào đó như thiền, đọc sách. Không nên nằm trên giường và xem thời gian trôi qua bao lâu vì sẽ khiến bệnh nhân khó chịu và lo lắng nhiều hơn.
Không ngủ trưa quá lâu: Có thể chợp mắt vào buổi trưa nhưng nên ngủ trưa dưới 30 phút để cơ thể thư giãn và không ngủ trưa sau 3 giờ chiều.
Hạn chế sử dụng các chất kích kích: Hạn chế trà, cà phê, rượu và hút thuốc lá tối thiểu 4 giờ trước khi đi ngủ. Không nên ăn quá no trước khi đi ngủ và nên dùng một số đồ ăn nhẹ như sữa, sữa chua và bánh quy có thể giúp bạn ngủ ngon hơn.
Rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên: Tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, không tập thể dục trong vòng 4 giờ trước khi đi ngủ, vì có thể bị đau cơ và tăng hormone hưng phấn làm rối loạn giấc ngủ.
Thiết lập một chế độ ăn uống cân bằng đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin và chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Tóm tại, bệnh nhân mắc rối loạn giấc ngủ kéo dài nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, giảm khả năng tập trung và hiệu suất làm việc. Bệnh nhân nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị theo phác đồ phù hợp với từng bệnh nhân.