Rối loạn giấc ngủ kéo dài là tình trạng người bệnh khó ngủ hoặc trằn trọc hơn 3 đêm/ tuần trong 3 tháng trở lên đi kèm với đau đầu, chóng mặt, lo âu. Bên cạnh đó suy nhược thần kinh mất ngủ là một hậu quả của rối loạn giấc ngủ kéo dài. Vậy cần phải làm gì để hạn chế tình trạng suy nhược thần kinh rối loạn giấc ngủ
Vì sao rối loạn giấc ngủ lại gây suy nhược thần kinh?
Suy nhược thần kinh là tình trạng rối loạn chức năng thần kinh do não phải làm việc quá mức thường gặp sau một sang chấn tâm lý của người bệnh hoặc một rối loạn kéo dài về thần kinh không được xử lý, đặc biệt là rối loạn giấc ngủ. Nguyên nhân cụ thể của rối loạn giấc ngủ gây suy nhược thần kinh như sau:
Rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh dễ mất thăng bằng về cả cơ thể lẫn cảm xúc trong cuộc sống, lâu ngày dẫn tới lo âu, căng thẳng, thậm chí là trầm cảm và cuối cùng là suy nhược thần kinh
Rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh luôn không có một giấc ngủ đủ và chất lượng, dẫn tới mệt mỏi, uể oải vào ban ngày, giảm sút về năng suất làm việc và học tập. Theo đó những áp lực trong công việc, gia đình thời gian dài sẽ càng tạo nên hiện tượng suy nhược thần kinh
Người bị rối loạn giấc ngủ có thể do các nguyên nhân bệnh lý như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, viêm xoang, nghiện rượu, suy dinh dưỡng cũng là các nguyên nhân có thể dẫn tới suy nhược thần kinh
Suy nhược thần kinh do rối loạn giấc ngủ có nguy hiểm không?
Các rối loạn giấc ngủ nếu không được điều trị và tồn tại trong thời gian dài dẫn tới suy nhược thần kinh sẽ để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe con người, cụ thể như sau:
Suy nhược thần kinh lâu ngày không điều trị dễ dẫn tới trầm cảm
Người bệnh suy nhược thần kinh thường có triệu chứng chán nản, buồn rầu, ăn uống kém, khó ngủ, ngày càng lãnh cảm với các mối quan hệ, giảm hứng thú trong học tập và công việc
Người bệnh có thể có những rối loạn nhận thức, giảm trí nhớ, ức chế hoặc kích động
Bệnh nhân có những ám ảnh cưỡng chế, ám ảnh âm thanh
Người bệnh suy nhược thần kinh khó tránh khỏi các cảm xúc tiêu cực, buồn rầu, khó chịu, dễ kích động, chán ghét bản thân, muốn tự tử
Làm gì để cải thiện bệnh suy nhược thần kinh do rối loạn giấc ngủ?
Để hạn chế sự tiến triển của tình trạng suy nhược thần kinh do rối loạn giấc ngủ thì người bệnh cần phải điều chỉnh giấc ngủ, xây dựng một thói quen ngủ khoẻ mạnh. Bên cạnh đó, bạn cũng cần thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng để hạn chế suy nhược thần kinh:
Giải tỏa căng thẳng: bản chất của suy nhược thần kinh là do căng thẳng quá mức khiến hệ thần kinh không còn hưng phấn, vì vậy giải tỏa stress, căng thẳng là một phần quan trọng trong điều trị suy nhược thần kinh
Thay đổi chế độ ngủ: Suy nhược thần kinh do rối loạn giấc ngủ rất cần người bệnh phải điều chỉnh giấc ngủ sao cho ngủ đủ giấc và ngủ sâu. Có thể hạn chế dùng điện thoại, máy tính trước khi ngủ, thiết kế phòng ngủ đủ ấm, thoáng và sạch, ngâm chân hoặc massage trước khi ngủ và hạn chế ngủ ngày. Ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm sẽ giúp hệ thần kinh dần được hồi phục và giảm căng thẳng đáng kể
Tập thiền, yoga: Đây là các phương pháp giúp giảm suy nhược thần kinh do mất ngủ nhờ lấy lợi cân bằng cơ thể, xóa bỏ tạm thời tạp niệm, mệt mỏi, lấy lại nguồn năng lượng cho cơ thể, giúp cung cấp oxy lên não tốt hơn, đồng thời thư giãn các khối cơ đang co cứng, đau mỏi
Giải toả năng lượng tiêu cực bằng vận động: Tập luyện thể dục thể thao sẽ giúp tâm trí tập trung vào vận động, tạm thời buông bỏ căng thẳng trong cuộc sống. Ngoài ra, tập luyện còn giúp tăng cường oxy lên não, kích thích cơ thể sản sinh dopamine, giúp cơ thể vui vẻ hơn
Không dùng chất kích thích: Các chất như rượu, bia, thuốc lá, cà phê có tác dụng mạnh lên thần kinh, kích thích hưng phấn không chỉ gây mất ngủ mà còn khiến cơ thể dễ mệt mỏi trong thời gian suy nhược thần kinh
Ăn uống đủ chất: Bạn nên bổ sung đầy đủ các nhóm thức ăn cho cơ thể, hạn chế nhịn ăn, ăn đúng bữa để đủ dinh dưỡng cho não. Hạn chế ăn đồ ngọt, dầu mỡ, chiên xào,… nên ăn nhiều đồ thanh đạm, thịt nạc, rau xanh, hoa quả,…
Sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi phù hợp: cơ thể cần được nghỉ ngơi và sức khoẻ tâm thần cũng vậy. Do đó, người bị suy nhược thần kinh do mất ngủ có thể chia nhỏ thời gian làm việc, xen kẽ bằng các khoảng nghỉ để trí não được thả lỏng sau giờ làm việc căng thẳng. Tế bào thần kinh cũng được phục hồi tốt hơn sau những thời điểm hưng phấn.
Tóm lại, suy nhược thần kinh rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh rất mệt mỏi, căng thẳng, không còn năng lượng để làm việc và suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống. Vì vậy khi phát hiện các bất ổn về tâm lý gây ra do mất ngủ, người bệnh cần đến khám ngay các phòng khám chuyên khoa tâm thần để được tư vấn cải thiện giấc ngủ cũng như hạn chế sự tiến triển của suy nhược thần kinh.