Rối loạn giấc ngủ là các bất thường liên quan tới giấc ngủ như mất ngủ, rối loạn nhịp sinh học ngày đêm hoặc các rối loạn giấc ngủ thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh về cả thể chất lẫn tinh thần. Người bị rối loạn giấc ngủ không thể đảm bảo cả thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ hàng ngày. Vậy rối loạn giấc ngủ có chữa được không?
Các phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ
Có nhiều phương pháp chữa rối loạn giấc ngủ dựa vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ biểu hiện mà người bệnh gặp phải, cụ thể như sau:
Cách chữa rối loạn giấc ngủ bằng thuốc
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc chữa rối loạn giấc ngủ, tuy nhiên cần được sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ. Các trường hợp rối loạn giấc ngủ nặng kèm lo âu sẽ được phối hợp các loại thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ.
Nhóm benzodiazepin: Thường được dùng để điều trị mất ngủ tiên phát nhưng nếu dùng kéo dài có thể gây ra chứng hay quên, đặc biệt là ở người nghiện rượu.
Nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng và đa vòng: có tác dụng an thần mạnh, điều trị mất ngủ tiên phát hiệu quả và có thể dùng lâu dài, tối thiểu 18 tháng. Tuy nhiên không dùng thuốc cho người thừa cân, béo phì, thận trọng với tác dụng phụ như khô miệng, đắng miệng, mệt mỏi.
Amitriptylin: có tác dụng ức chế thần kinh trung ương và an thần nhanh nhưng cần tăng liều từ từ. Nếu sử dụng thuốc quá muộn có thể gây khó thức dậy vào buổi sáng, khi dậy thường mệt mỏi, không tỉnh táo.
Các loại thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ thứ phát: thường là các loại thuốc kích thích vào buổi sáng như amphetamin, nước chè, cà phê để hạn chế cảm giác buồn ngủ hoặc các thuốc chống trầm cảm,…
Phương pháp chữa rối loạn giấc ngủ không dùng thuốc
Thư giãn tâm lý: bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ nên cố giữ cho tâm lý thoải mái, tạm gác lại công việc và không suy nghĩ cách giải quyết vấn đề trước khi ngủ. Nếu không ngủ được có thể đứng dậy làm việc khác cho tới khi buồn ngủ, không cố gắng tạo áp lực phải ngủ, vì có thể gây phản tác dụng.
Vệ sinh giấc ngủ phù hợp: nên thức dậy đúng giờ mỗi ngày, tránh ngủ nhiều vào ban ngày, tránh ăn quá no trước khi ngủ. Tốt nhất nên giữ cho không gian phòng ngủ luôn thoáng khí, ít ánh sáng và không quá nóng hay quá lạnh.
Không sử dụng các thiết bị điện tử có ánh sáng xanh như tivi, điện thoại trước khi ngủ.
Hạn chế sử dụng trà, cà phê, rượu hay các chất kích thích vào buổi tối.
Tập thể dục thường xuyên vào buổi sáng và tập nhẹ 30 phút -1 giờ trước khi ngủ.
Có thể tắm nước ấm trước khi ngủ 20 - 40 phút.
Phòng ngừa rối loạn giấc ngủ như thế nào?
Trong xã hội hiện đại với nhiều áp lực trong công việc, học tập thì ai cũng có thể gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ. Để phòng ngừa trạng thái ảnh hưởng tới sức khoẻ này thì bạn cần thực hiện các biện pháp sau:
Duy trì cân nặng hợp lý.
Tập thể dục thường xuyên bằng cách chạy bộ, tập gym, tập yoga,…
Hạn chế căng thẳng và lo âu.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, ăn nhiều rau và cá hàng ngày, hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường, ăn các bữa ăn ít carbohydrate hơn trước khi đi ngủ.
Tuân thủ lịch trình ngủ cố định, kể cả vào ngày nghỉ.
Uống ít nước trước khi ngủ, hạn chế dùng thực phẩm chứa caffeine, đặc biệt vào buổi chiều tối.
Giảm sử dụng thuốc lá và rượu bia.
Tóm lại, rối loạn giấc ngủ gây ảnh hưởng đáng kể tới sức khoẻ thể chất và tinh thần của người bệnh. Vì vậy ngay khi phát hiện các bất thường về giấc ngủ trong thời gian dài, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để được tư vấn về thuốc điều trị cũng như phương pháp thay đổi lối sống, cải thiện tâm lý để có thể chữa rối loạn giấc ngủ.