Sarcopenia có nghĩa đen là “thiếu thịt” hay “thiểu cơ”, “mất cơ”. Đây được xem là tình trạng thoái hóa cơ liên quan đến tuổi tác, chúng trở nên phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi. Sau tuổi trung niên, trung bình hàng năm mỗi người trưởng thành sẽ mất 3% sức mạnh cơ bắp, làm hạn chế khả năng thực hiện nhiều hoạt động thường ngày. Thiểu cơ cũng làm giảm tuổi thọ ở những người mắc phải khi so với những người có sức mạnh cơ bắp bình thường.
Thiểu cơ - Sarcopenia là do sự mất cân bằng giữa các tín hiệu phát triển của tế bào cơ và các tín hiệu phân hủy tế bào. Các quá trình tăng trưởng của tế bào được gọi là "đồng hóa" và các quá trình phân hủy tế bào được gọi là "dị hóa". Ví dụ, các hormone tăng trưởng luôn hoạt động đồng thời với các enzym gây phá hủy protein, quá trình này giữ cho cơ bắp ổn định qua một chu kỳ tăng trưởng, thậm chí trải qua chấn thương, phá hủy và sau đó sẽ tự chữa lành. Tuy nhiên, trong quá trình lão hóa tự nhiên, cơ thể của chúng ta sẽ trở nên đề kháng với các tín hiệu tăng trưởng, dẫn đến cán cân nghiêng về phía dị hóa và xảy ra hiện tượng mất cơ.
Mặc dù lão hóa là nguyên nhân phổ biến nhất gây thiểu cơ, nhưng các yếu tố khác cũng có thể gây ra sự mất cân bằng giữa quá trình đồng hóa và dị hóa cơ.
Không sử dụng cơ bắp là một trong những tác nhân phổ biến nhất gây thiểu cơ, dẫn đến mất cơ nhanh hơn và ngày càng suy nhược. Nằm nghỉ trên giường hoặc nằm im bất động sau tình trạng chấn thương hoặc bệnh tật sẽ dẫn đến mất cơ nhanh chóng.
Mặc dù ít nguy cơ hơn, nhưng việc giảm đi bộ và hoạt động thường xuyên khác trong 2 đến 3 tuần cũng đủ để giảm khối lượng cơ và sức mạnh. Điều này có thể trở thành một vòng luẩn quẩn, khi sức mạnh cơ bắp giảm sẽ dẫn đến mệt mỏi nhiều hơn, và do đó khó trở lại hoạt động bình thường.
Chế độ dinh dưỡng cung cấp không đủ calo và protein sẽ dẫn đến tình trạng giảm cân và giảm khối lượng cơ bắp. Trên thực tế, chế độ ăn ít calo và ít protein trở nên phổ biến hơn khi lớn tuổi, do thay đổi vị giác, các vấn đề về răng, nướu và nuốt, hoặc gia tăng khó khăn khi đi mua sắm và nấu nướng tại nhà. Để giúp ngăn ngừa thiểu cơ, các nhà khoa học khuyên bạn nên tiêu thụ 25–30 gam protein trong mỗi bữa ăn.
Sau khi bị thương hoặc bệnh tật, tình trạng viêm sẽ gửi tín hiệu đến cơ thể để phá bỏ và sau đó xây dựng lại các nhóm tế bào bị tổn thương. Các bệnh mãn tính hoặc bệnh lâu dài cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm gây phá vỡ sự cân bằng bình thường giữa quá trình phân hủy và chữa lành vết thương, dẫn đến mất cơ. Ví dụ, một nghiên cứu về bệnh nhân bị viêm lâu dài do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) cũng cho thấy bệnh nhân bị giảm khối lượng cơ. Ví dụ về các bệnh khác gây viêm lâu dài bao gồm: viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm ruột như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng, lupus, viêm mạch, bỏng, nhiễm trùng mãn tính, bệnh lao.
Thiểu cơ cũng phổ biến hơn trong một số tình trạng sức khỏe gây căng thẳng cho cơ thể. Ví dụ có tới 20% những người bị suy tim mãn tính bị thiểu cơ. Trong bệnh thận mãn, cơ thể bệnh nhân thường xuyên bị căng thẳng và giảm hoạt động sẽ dẫn đến mất cơ. Ung thư và chế độ điều trị ung thư cũng gây căng thẳng cho cơ thể, dẫn đến tình trạng mất cơ ở bệnh nhân.
Cách tốt nhất để chống lại tình trạng thiểu cơ là giữ cho cơ bắp của bạn hoạt động. Sự kết hợp của bài tập aerobic, rèn luyện sức đề kháng và rèn luyện thăng bằng có thể ngăn ngừa và thậm chí đảo ngược quá trình mất cơ. Ít nhất 2 đến 4 buổi tập thể dục hàng tuần có thể giúp chúng ta đạt được những lợi ích này. Tất cả các loại bài tập đều có lợi, nhưng một số bài tập tốt hơn những loại khác.
Nếu bạn thiếu calo, protein hoặc một số vitamin và khoáng chất, bạn có thể có nguy cơ mất đi khối lượng cơ bắp trong cơ thể cao hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không bị thiếu thì việc bổ sung chất dinh dưỡng quan trọng với liều lượng cao hơn có thể thúc đẩy sự phát triển của cơ bắp hoặc nâng cao lợi ích của việc tập thể dục.
Có rất nhiều cách để lấy lại khối lượng cơ bắp trong quá trình lão hóa, trong đó rèn luyện thể chất và xây dựng chế độ dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tăng cường bổ sung hoạt chất.
Nguồn tham khảo: healthline.com, washingtonpost.com