Axit folic có thúc đẩy chuyển hóa protein tại cơ không?
23/06/2023
Axit folic là 1 vitamin B quan trọng không thể thiếu đối với cơ thể. Axit folic được biết đến phổ biến nhờ khả năng giúp ngăn ngừa các khuyết tật thần kinh nghiêm trọng ở thai nhi. Ngoài ra, folic acid còn giúp hình thành ADN và tham gia vào quá trình chuyển hóa protein. Vậy protein chuyển hóa thế nào và axit folic có thúc đẩy chuyển hóa protein tại cơ không?
1. Axit folic là gì?
Folate là dạng tự nhiên của vitamin B9, 1 loại tan trong nước và được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Folate cũng được thêm vào thực phẩm và được bán dưới dạng thực phẩm bổ sung dưới dạng folic acid. Folic acid được hấp thu tốt hơn so với dạng được cung cấp từ thực phẩm.
Tất cả tế bào đều cần folic acid để phát triển. Chức năng của axit folic đối với cơ thể, bao gồm:
Folate giúp hình thành ADN, ARN và tham gia vào quá trình chuyển hóa protein.
Folic acid đóng vai trò quan trọng trong việc phá vỡ homocysteine, là một loại axit amin có thể gây hại cho sức khỏe chúng ta nếu có nồng độ cao trong máu. Homocysteine sẽ góp phần vào quá trình xơ vữa động mạch làm tắc nghẽn động mạch và gia tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ.
Folate cũng cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh và rất quan trọng trong thời kỳ tăng trưởng nhanh chẳng hạn như khi mang thai và phát triển bào thai.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản muốn thụ thai và phụ nữ đang mang thai uống axit folic giúp ngăn ngừa sảy thai và dị tật ống thần kinh. Dị tật ống thần kinh là khi cột sống và lưng của thai nhi không đóng lại trong bụng mẹ.
Folate đóng vai trò trong việc ức chế một số loại ung thư giai đoạn đầu.
Nguồn thực phẩm cung cấp folate cho cơ thể, bao gồm:
Các loại rau có màu xanh lá đậm như rau củ cải, rau bina, rau diếp, măng tây và bông cải xanh.
Các loại đậu.
Hạt hướng dương.
Các loại ngũ cốc.
Trái cây tươi.
Gan.
Hải sản.
Trứng.
Thực phẩm chức năng tăng cường dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung.
2. Axit folic có thúc đẩy chuyển hóa protein tại cơ không?
Protein chuyển hóa thế nào? Protein trong cơ thể được cung cấp từ chế độ ăn sẽ được phân hủy thành các axit amin bởi nhiều enzyme khác nhau. Các axit amin này sau đó được hấp thụ vào máu để vận chuyển đến gan và chuyển đến các phần còn lại của cơ thể trong đó có mô cơ. Các axit amin được hấp thụ có tác dụng tạo ra các protein chức năng và tạo ra năng lượng.
Axit folic là dưỡng chất thiết yếu cần thiết cho quá trình tổng hợp protein và axit nucleic (ADN và ARN). Protein cực kỳ quan trọng trong việc phát triển và duy trì các mô cơ. Nhưng khi không có axit folic thì cơ thể không thể sản xuất các axit amin cần thiết để tạo cơ bắp. Do đó, axit folic có tác dụng thúc đẩy chuyển hóa protein tại cơ làm tăng tổng hợp protein, tăng và duy trì khối lượng cơ bắp.
Axit folic còn có thể giúp tăng khả năng hấp thụ nhiều oxy hơn, do đó cho phép cải thiện quá trình hô hấp và kết quả là cơ thể có nhiều năng lượng hơn. Điều này dẫn đến việc bạn có thể tập luyện chăm chỉ, bền bỉ hơn giúp nâng cao hiệu suất tập luyện.
3. Dấu hiệu khi cơ thể thiếu hụt axit folic
Sự thiếu hụt folate hiếm khi xảy ra vì nó được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Tuy nhiên, một số trường hợp khiến mọi người có nguy cơ cao bị thiếu hụt folate, bao gồm:
Nghiện rượu: Rượu cản trở sự hấp thụ folate và đẩy nhanh tốc độ folate bị phân hủy và bài tiết ra khỏi cơ thể. Những người nghiện rượu cũng có xu hướng ăn chế độ ăn kém chất lượng với ít thực phẩm chứa folate.
Thai kỳ: Nhu cầu về folate tăng lên trong thời kỳ mang thai vì nó đóng một vai trò trong sự phát triển của các tế bào ở thai nhi.
Phẫu thuật đường ruột và các rối loạn tiêu hóa gây kém hấp thu như bệnh Celiac và bệnh viêm ruột có thể làm giảm sự hấp thụ folate của cơ thể. Các phẫu thuật liên quan đến các cơ quan tiêu hóa hoặc làm giảm mức axit dạ dày bình thường cũng có thể cản trở sự hấp thụ.
Yếu tố di truyền: Những người mang một biến thể của gen MTHFR sẽ không thể chuyển folate thành dạng hoạt động để cơ thể có thể sử dụng được.
Các dấu hiệu thiếu hụt axit folic, bao gồm:
Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ là tình trạng xảy ra do thiếu folate trong chế độ ăn uống hoặc hấp thu kém khiến cơ thể tạo ra số lượng hồng cầu ít hơn và kích thước hồng cầu lớn hơn so với bình thường.
Tóm lại, axit folic là 1 dưỡng chất không thể thiếu đối với cơ thể. Hoạt chất axit folic có tác dụng thúc đẩy chuyển hóa protein tại cơ làm tăng tổng hợp protein, tăng và duy trì khối lượng cơ bắp, thúc đẩy trao đổi chất. Axit folic còn giúp ngăn ngừa các khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi, giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch và ung thư.
Ngày nay, ngoài việc sử dụng thực phẩm có chứa thành phần axit folic thì bạn cũng có thể cân nhắc các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa hoạt chất Acid folic chiết xuất đậu lăng để giúp thúc đẩy trao đổi chất, thúc đẩy chuyển hóa protein và tăng cơ giảm mỡ hiệu quả.