Trước khi tìm hiểu bệnh mất ngủ suy giảm trí nhớ có liên quan đến nhau hay không, chúng ta cần hiểu được khái niệm của từng loại, từ đó giúp xác định bản thân mình có rơi vào bất kỳ vấn đề nào hoặc mắc cả hai cùng lúc hay không?
Mất ngủ có gây suy giảm trí nhớ? Dưới góc nhìn khoa học, giấc ngủ và bộ nhớ của con người có sự kết nối khá phức tạp. Việc con người được nghỉ ngơi đầy đủ không chỉ giúp đầu óc được minh mẫn, mà còn hỗ trợ não bộ trong việc xử lý thông tin mới được trơn tru và mượt mà hơn, đặc biệt khi vừa thức dậy. Việc ngủ sau khi học sẽ củng cố các thông tin “nạp vào” thành ký ức, từ đó cho phép bạn lưu trữ chúng lâu hơn trong bộ não. Những người bị mất ngủ có nguy cơ tăng 27% mắc chứng mất trí nhớ. Những người thiếu ngủ, không ngủ đủ giấc có khả năng mắc chứng mất trí nhớ cao hơn 25%. Những người ngủ không sâu, thường xuyên thức giấc sẽ có nguy cơ mất trí nhớ cao hơn 24%.
Với một người trưởng thành khỏe mạnh sẽ trải qua 4 giai đoạn trong một giấc ngủ. Giai đoạn 1 và 2 được gọi là giai đoạn giấc ngủ NREM nhẹ, giai đoạn 3 là giấc ngủ NREM sâu; đây là những giai đoạn có tác dụng chuẩn bị cho não học thêm các thông tin mới vào ngày hôm sau. Do đó, nếu chúng ta không ngủ hoặc ngủ không đủ giấc sẽ làm giảm khả năng học tập lên đến 40%. Cụ thể trong giai đoạn giấc ngủ NREM, não bộ của chúng ta sẽ sắp xếp các ký ức của ngày hôm trước, chắt lọc ký ức quan trọng và loại bỏ đi các thông tin không cần thiết. Những ký ức chọn lọc sẽ trở nên cụ thể hơn khi chúng ta bắt đầu giấc ngủ NREM sâu, quá trình này vẫn sẽ tiếp tục trong giấc ngủ REM. Thêm vào đó các ký ức cảm xúc được xử lý trong giai đoạn REM có thể giúp chúng ta đối phó với những trải nghiệm khó khăn thật sự trong cuộc sống thực tế.
Có thể thấy rối loạn giấc ngủ và tình trạng suy giảm trí nhớ đều có thể gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và công việc. Người bị suy giảm trí nhớ rất dễ bị mất ngủ, có chất lượng giấc ngủ không tốt. Ngược lại, người bị mất ngủ thường xuyên sẽ có khả năng mắc phải tình trạng suy giảm trí nhớ cao hơn.
Một nghiên cứu khác đã chỉ ra mối quan hệ giữa tình trạng suy giảm trí nhớ và rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân Alzheimer. Theo đó, một trong những dấu hiệu của căn bệnh Alzheimer này chính là tích tụ nhiều protein amyloid beta trong não. Các protein này sẽ gia tăng khi chúng ta tỉnh táo và giảm dần khi ngủ vì vậy việc thiếu ngủ thường xuyên sẽ khiến cơ thể tích tụ nhiều protein amyloid beta, làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer gây nên chứng suy giảm trí nhớ.
Theo một vòng lặp vô tận, mất ngủ gây suy giảm trí nhớ và bệnh nhân mắc suy giảm trí nhớ thường sẽ có giấc ngủ ngắn hơn, thời gian tỉnh giấc ban đêm cao hơn so với người bình thường, gây ra nhiều tác hại đến nhận thức của người bệnh.
Hãy tập ngủ và thức ở một thời điểm cố định để cơ thể quen dần với thời gian thức/ ngủ này, từ đó điều chỉnh lại đồng hồ sinh học để đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt, số giờ ngủ đủ, từ đó giúp cải thiện khả năng ghi nhớ.
Chế độ ăn uống khoa học là yếu tố tiên quyết giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng sống. Một ly sữa ấm buổi tối sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn, đặc biệt hiệu quả đối với người lớn tuổi vì trong sữa có chứa melatonin giúp ngủ ngon hơn. Ngoài ra cần tránh sử dụng các chất kích thích trước khi đi ngủ để tránh gây ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ.
Thay vì việc tập luyện các bài tập mạnh, bệnh nhân nên lựa chọn tập các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, ngồi thiền… ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Môi trường phòng ngủ cũng là yếu tố quan trọng cần được quan tâm. Phòng ngủ nên có nhiệt độ và ánh sáng thích hợp, đệm ngủ không nên quá cứng sẽ giúp ngủ sâu giấc hơn.
Tóm lại, tình trạng mất ngủ và suy giảm trí nhớ là những hội chứng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống của người mắc bệnh. Các biện pháp cải thiện trong bài viết chỉ mang tính tham khảo. Để cải thiện sức khỏe tốt nhất, người bệnh nên chủ động thăm khám tại các chuyên khoa thần kinh uy tín ngay từ khi phát hiện các dấu hiệu ban đầu.