Thiếu hụt vitamin B3 có thể xảy ra do không bổ sung đủ các nguồn thực phẩm giàu Niacin. Chất dinh dưỡng này có trong cá, thịt và một số thực phẩm tăng cường như ngũ cốc, bánh mì và các loại đậu. Ở hàm lượng thấp hơn, Niacin có trong cà phê, trà và các loại hạt. Trong quá trình chế biến thịt, Nicotinamide adenine dinucleotide (NAD) và Nicotinamide adenine dinucleotide phosphate (NADP) có thể bị thủy phân thành Nicotinamide tự do.
Trong một số loại thực phẩm, chẳng hạn như ngô, Niacin có thể liên kết cộng hóa trị với Carbohydrate hoặc các chuỗi Peptide ngắn, qua đó làm giảm khả dụng hấp thụ ở ruột non. Do đó, một số dấu hiệu sớm của bệnh Pellagra thường xảy ra ở những quần thể có chế độ ăn tiêu thụ nhiều ngô.
Ngoài các nguồn thực phẩm bên ngoài, gan có thể tổng hợp B3 từ tryptophan, do đó một chế độ ăn uống có chứa cả niacin và tryptophan là cần thiết để duy trì nồng độ niacin bình thường.
Thuốc lá, rượu bia, các bệnh đường tiêu hóa và khối u ác tính là những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh Pellagra thứ phát. Trong đó, thói quen uống quá nhiều rượu bia kéo dài có thể gây ra bệnh Pellagra do giảm hấp thu B3. Rối loạn sử dụng rượu có mối liên quan chặt chẽ đến gia tăng suy dinh dưỡng và có thể làm giảm quá trình chuyển đổi Tryptophan thành Niacin. Vitamin B3 chủ yếu được hấp thụ ở ruột non, do đó một số chứng rối loạn kém hấp thu như tiêu chảy mãn tính, viêm ruột và bệnh lý ác tính có thể làm giảm khả năng hấp thụ Niacin. Hơn nữa, Hartnup là bệnh lý có thể gây suy giảm khả năng hấp thụ tryptophan, qua đó gây thiếu hụt B3. De Oliveira Alves và cộng sự đã công bố báo cáo về một trường hợp xét nghiệm HIV huyết thanh dương tính với thói quen uống quá nhiều rượu, người này có các đặc điểm toàn thân, mất phương hướng tiến triển và các biểu hiện da liễu của bệnh pellagra. Can thiệp bằng cách bổ sung Nicotinamide giúp cải thiện nhanh chóng các triệu chứng sau 3 tuần điều trị.
Ngoài ra, một số loại thuốc, chẳng hạn như isoniazid có thể làm tăng nguy cơ thiếu vitamin B3. Nguyên nhân là do Isoniazid liên kết với vitamin B6 và làm giảm hoạt tính cynureninase phụ thuộc vào PLP, một chất cần thiết để tổng hợp niacin. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng isoniazid dự phòng bệnh lao ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng virus hoạt tính cao (HAART) khi tỷ lệ mắc lao tăng cao. Nguy cơ mắc bệnh Pellagra ở bệnh nhân nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV) kèm lao tiềm ẩn được điều trị dự phòng bằng isoniazid đã được nghiên cứu. Isoniazid làm giảm nồng độ Niacin bằng cách ức chế sự hấp thụ ở ruột và cả quá trình sản xuất nội sinh từ tryptophan. Về cơ bản, cơ thể xử lý isoniazid có cấu trúc tương tự như thể nó là niacin và hoạt động như thể nồng độ niacin là đủ.
Sự thiếu hụt Niacin dẫn đến bệnh pellagra, mặc dù không phổ biến ở các quốc gia công nghiệp hóa, nhưng rất dễ bắt gặp ở những người có hoàn cảnh sống nghèo đói hoặc có chế độ ăn cực kỳ thiếu niacin và protein. Những người vô gia cư suy dinh dưỡng hoặc bệnh nhân mắc các bệnh kèm theo khác (như chán ăn tâm thần) đều được cho là có khả năng bị thiếu hụt vitamin B3. Hơn nữa, những người mắc chứng kém hấp thu, rối loạn sử dụng rượu hoặc dùng một số loại thuốc cụ thể là đối tượng có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin này.
Pellagra là bệnh lý xảy ra do nồng độ trong máu của niacin hoặc tiền chất của nó (là tryptophan) ở mức thấp. Thiếu Niacin dẫn đến bệnh Pellagra, bao gồm bộ 3 triệu chứng là viêm da, mất trí nhớ và tiêu chảy và thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Tương tự như da cháy nắng, viêm da đặc trưng bởi hiện tượng đổi màu da và tổn thương những vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như bàn tay, khuỷu tay, đầu gối và bàn chân. Ban đầu, những thay đổi về thần kinh như lo lắng, kém tập trung, mệt mỏi và trầm cảm có thể biểu hiện, nhưng chứng mất trí nhớ và mê sảng có thể xảy ra khi bệnh pellagra tiến triển. Ngoài ra, có thể xuất hiện các biến chứng về đường tiêu hóa, viêm lưỡi, viêm môi, viêm miệng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy hoặc táo bón
Chế độ ăn uống được khuyến nghị (RDA) đối với Niacin được thể hiện dưới dạng tương đương niacin (NE), cụ thể như sau:
Vậy thiếu vitamin B3 nên ăn gì? Các nguồn thực phẩm cung cấp niacin tốt nhất bao gồm các loại thịt đỏ, cá, gia cầm, bánh mì và ngũ cốc tăng cường vi chất dinh dưỡng, mì ống và đậu phộng.
Về cách sử dụng vitamin B3, các chuyên gia cho biết nếu không thể ăn nhiều thực phẩm giàu niacin hoặc mắc các bệnh ảnh hưởng đến hấp thụ niacin hoặc tryptophan thì bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ. Các chế phẩm bổ sung B3 đơn hoặc đa vitamin/ khoáng chất thường chứa ít nhất 20mg niacin, qua đó hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng này.
Các chế phẩm bổ sung B3 như acid nicotinic hoặc nicotinamide đã được FDA chấp thuận trong điều trị và ngăn ngừa tình trạng thiếu Niacin. Dưới sự giám sát của bác sĩ, liều cao niacin hoặc axit nicotinic không kê đơn hoặc kê đơn có thể được sử dụng để điều trị chứng tăng lipid và cholesterol máu, bao gồm cả tăng triglyceride. Tác dụng phụ phổ biến nhất khi bổ sung vitamin B3 là chứng đỏ bừng mặt, bên cạnh đó là các tác dụng phụ khác như buồn nôn, nôn ói, ngứa, phát ban, tăng men gan và táo bón. Tuy nhiên, bổ sung dư thừa acid nicotinic hoặc niacin vẫn có nguy cơ gây hại. Do đó bệnh nhân không được dùng nhiều hơn liều bác sĩ chỉ định hoặc liều khuyến nghị. Nếu đang dùng liều hơn 100mg mỗi ngày, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên kiểm tra chức năng gan định kỳ.
Với bệnh nhân có tiền sử bệnh gút, bác sĩ cho biết nên thận trọng với lượng niacin mà bạn tiêu thụ, vì nó cũng được biết là có thể gây gia tăng nồng độ acid uric trong huyết thanh.
Tình trạng thiếu hụt niacin có thể cảnh báo cơ thể cũng thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng khác, do đó một chế độ ăn uống cân bằng luôn được khuyến cáo mạnh mẽ. Các chuyên gia khuyến cáo nên bổ sung nicotinamide liều từ 250 đến 500 mg/ngày. Mặc dù acid nicotinic là dạng B3 phổ biến hơn, nhưng nicotinamide lại được ưu tiên sử dụng để điều trị thiếu hụt, vì không gây ra các triệu chứng như cảm giác ngứa ran, ngứa hoặc đỏ bừng.
Có thể thấy, vitamin B3 có vai trò rất quan trọng trong các hoạt động sống của con người. Ngoài chế độ dinh dưỡng, bạn cũng có thể bổ sung vitamin B qua các thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa thành phần tổ hợp vitamin nhóm B (B1, B3, B6, B12) và vitamin. Do được chiết xuất từ những thành phần tự nhiên cao cấp, kết hợp cùng công nghệ hiện đại nên những thực phẩm bảo vệ sức khỏe này dễ hấp thụ và mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Nguồn tham khảo: medicalnewstoday.com, webmd.com, ncbi.nlm.nih.gov