Nhiều nghiên cứu cho thấy mất ngủ về đêm có thể liên quan đến các thay đổi về sinh lý, tâm lý căng thẳng hoặc đơn giản do sự thay đổi về múi giờ. Tuy nhiên, đôi khi mất ngủ về đêm cũng là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, bạn nên không chủ quan với tình trạng mất ngủ về đêm.
Mất ngủ về đêm là bệnh gì?
Trong cuộc sống hiện đại như ngày nay, rất nhiều người than phiền rằng mỗi đêm họ chỉ ngủ được khoảng 2-3 giờ đồng hồ, mặc dù đã cố gắng đi ngủ rất sớm hoặc đêm nào cũng trằn trọc khó đi vào giấc ngủ, dễ tỉnh giấc giữa đêm và rất khó ngủ tiếp, thậm chí có người còn thức trắng cả đêm. Đây là những biểu hiện của tình trạng mất ngủ về đêm với những đặc điểm có sự khác biệt giữa các đối tượng khác nhau.
Theo các chuyên gia, mặc dù thời gian ngủ phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng nhìn chung nếu mỗi đêm ngủ dưới 4 tiếng với người lớn tuổi và dưới 6 tiếng với người trẻ thì sẽ phản ánh cơ thể đang gặp vấn đề, đặc biệt là những người không ngủ cả đêm sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ hoặc trầm cảm… cao hơn. Thống kê cho thấy có nhiều trường hợp dù chỉ bị mất ngủ một đêm nhưng ngày hôm sau trông đã phờ phạc và thiếu sức sống, trong khi những đối tượng mất ngủ kéo dài khiến cơ thể suy nhược dần dần, cuối cùng kéo theo nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Theo bác sĩ, mất ngủ về đêm là một thể của rối loạn giấc ngủ, bao gồm 2 thể nhỏ là cấp tính và mãn tính:
Mất ngủ cấp tính hay còn gọi là mất ngủ ngắn hạn: Được định nghĩa là tình trạng mất ngủ kéo dài không quá 1 tháng.
Mất ngủ mãn tính hay còn gọi là mất ngủ kinh niên hoặc mất ngủ lâu năm: Được định nghĩa là tình trạng mất ngủ kéo dài hơn 1 tháng và gây ra nhiều tác động xấu đến sức khỏe.
Tình trạng mất ngủ về đêm nặng hay nhẹ khác nhau ở mỗi người bệnh, nhưng nhìn chung nếu xảy ra ở người có tiền sử mắc các bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, bệnh thận… thì rất dễ khiến bệnh tình tiến triển nặng hơn.
Nguyên nhân mất ngủ ban đêm
Tại sao mất ngủ về đêm là câu hỏi mà nhiều người bệnh đặt ra cho bác sĩ. Theo nghiên cứu, nguyên nhân mất ngủ về đêm rất đa dạng, nếu chỉ xảy ra thoáng qua có thể liên quan đến những vấn đề sau:
Tâm lý căng thẳng hoặc stress không được giải quyết;
Rối loạn giờ thức và giờ ngủ trong ngày do lịch học tập và làm việc thay đổi hoặc chênh lệch múi giờ;
Sử dụng chất gây nghiện và chất kích thích như cà phê, trà, thuốc lá, rượu bia…;
Thói quen ăn quá no sát giờ đi ngủ;
Môi trường ngủ không đảm bảo như quá nhiều ánh sáng/ tiếng ồn, nhiệt độ/ độ ẩm không phù hợp…
Tuy nhiên, khi tình trạng mất ngủ về đêm kéo dài và kèm theo những triệu chứng khác có thể xuất phát từ một số bệnh lý như sau:
Thiểu năng tuần hoàn não (thiếu máu não): Bệnh lý này khiến cơ thể người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi kèm theo đau đầu và mất ngủ kéo dài. Thiếu máu não có thể là tiền đề đưa đến đột quỵ nhồi máu não, do đó khi xuất hiện các biểu hiện bất thường như mất ngủ ban đêm kéo dài, đau đầu, chóng mặt, trí nhớ suy giảm… thì người bệnh nên đến gặp bác sĩ để thăm khám, thực hiện cận lâm sàng nhằm chẩn đoán sớm và có biện pháp điều trị phù hợp.
Rối loạn tiền đình: Một nguyên nhân mất ngủ về đêm khác liên quan đến thần kinh chính là rối loạn tiền đình. Mỗi khi lên cơn chóng mặt sẽ khiến người bệnh khó chịu với các triệu chứng kèm theo như buồn nôn, đau đầu, giảm thị lực và từ đó ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Bệnh lý tim mạch: Nghe có vẻ không liên quan nhưng bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân mất ngủ ban đêm phổ biến. Theo bác sĩ, người mắc các bệnh lý tim mạch như hở van tim, suy tim hay rối loạn nhịp tim… rất dễ bị mệt mỏi hay khó thở và chính điều này sẽ cản trở giấc ngủ.
Trào ngược dạ dày thực quản: Cơn trào ngược dịch acid từ dạ dày lên thực quản sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu như ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn ói hay nóng rát ngực… từ đó ảnh hưởng đến giấc ngủ, đặc biệt là vào ban đêm. Bệnh nhân có triệu chứng gợi ý trào ngược dạ dày nên đi khám sớm với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, qua đó nhận được tư vấn sử dụng một số loại thuốc hoặc men hỗ trợ để kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Lưu ý, trào ngược dạ dày thực quản nếu để kéo dài rất dễ khiến cơ vòng thực quản co thắt không linh hoạt, dẫn đến trào ngược mãn tính và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Bệnh lý hô hấp: Một số vấn đề về hô hấp như viêm phế quản, giãn phế quản, viêm phổi, hen suyễn… ảnh hưởng đến khả năng hít thở của người bệnh, và từ đó phá vỡ giấc ngủ của người bệnh. Vì vậy với thắc mắc tại sao mất ngủ về đêm sẽ không thể thiếu đáp án là các bệnh lý hô hấp.
Tăng huyết áp: Mỗi khi huyết áp gia tăng sẽ làm xuất hiện các triệu chứng như cơn bốc hỏa, khó thở, mệt mỏi và nhiều trường hợp còn than phiền bị ngất xỉu. Tăng huyết áp không được kiểm soát có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm đột quỵ tai biến mạch máu não (như xuất huyết não) và đa phần bệnh nhận sẽ có giấc ngủ về đêm không đảm bảo;
Trầm cảm, rối loạn lo âu: Những bệnh lý tâm thần kinh phổ biến này khiến hệ thần kinh của bệnh nhân luôn trong trạng thái căng thẳng, qua đó trực tiếp ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Ung thư: Những cơn đau cả về thể xác lẫn tinh thần mà người bệnh ung thư phải chịu đựng tác động không nhỏ đến giấc ngủ ban đêm. Nhiều người họ chỉ ngủ được khoảng vài tiếng mỗi đêm vì những cơn đau làm phiền, thậm chí có những người hoàn toàn không ngủ.
Đái tháo đường: Bệnh lý nội tiết phổ biến này khiến cơ thể mệt mỏi, tiểu nhiều, khát nhiều và rõ ràng sẽ làm gián đoạn giấc ngủ của bệnh nhân.
Mất ngủ về đêm có nguy hiểm không?
Sau khi tìm hiểu về những nguyên nhân mất ngủ về đêm, vấn đề tiếp theo người bệnh nên quan tâm là xác định mức độ tác động sức khỏe của tình trạng này. Như đã đề cập, mất ngủ có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra, từ rối loạn tâm lý, tác động của môi trường hoặc do nhiều bệnh lý nguy hiểm. Người bệnh cần xác định đúng nguyên nhân thì quá trình điều trị mới đạt hiệu quả như mong đợi.
Theo bác sĩ, mất ngủ về đêm tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm, đòi hỏi phải được phát hiện sớm để có giải pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Mất ngủ kéo dài không chỉ “bào mòn” cơ thể mà còn kéo theo rất nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó khi có biểu hiện rối loạn mất ngủ kéo dài thì người bệnh tuyệt đối không được chủ quan mà cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn điều trị phù hợp.
Ngoài ra bên cạnh việc tìm hiểu nguyên nhân để điều trị tận gốc thì việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, duy trì lối sống lành mạnh cũng như chủ động bổ sung thực phẩm có chứa thành phần Nicotinamide Mononucleotide cũng có tác dụng rất tốt trong việc cải thiện giấc ngủ và ngăn ngừa tình trạng mất ngủ tiếp diễn. Hiện đây là giải pháp cải thiện tình trạng mất ngủ đơn giản được nhiều người áp dụng và đã thấy được những kết quả khả quan.