Vitamin B2 là vitamin nhóm B quan trọng với sức khỏe con người, được cơ thể sử dụng để chuyển hóa carbohydrate, chất béo và protein thành năng lượng. Ngoài ra, loại vitamin này còn hoạt động như chất chống oxy hoá giúp tăng cường miễn dịch, cải thiện sức khoẻ tổng thể. Khi thiếu vitamin B2 có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển bình thường, hoạt động thể chất và sinh sản. Vậy thiếu vitamin B2 gây bệnh gì?
Nguyên nhân gây thiếu vitamin B2
Có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu hụt vitamin B2, cụ thể là do:
Thiếu vitamin B2 do ăn uống không đủ chất, ăn chay trường mà không chú ý bổ sung thực phẩm giàu vitamin B2.
Người lớn tuổi và phụ nữ mang thai có nguy cơ thiếu vitamin B2 do nhu cầu sử dụng tăng lên.
Các bệnh lý như bệnh Crohn, bệnh Celiac, HIV hoặc nghiện rượu gây giảm hấp thu Riboflavin, từ đó gia tăng nguy cơ thiếu vitamin B2.
Tiêu chảy mãn tính.
Hội chứng kém hấp thu.
Các rối loạn gan.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
Sử dụng thuốc an thần dài ngày.
Thiếu vitamin b2 gây bệnh gì?
Nếu thiếu vitamin B2, cơ thể sẽ bị:
Mệt mỏi;
Sưng cổ họng;
Mờ mắt và trầm cảm;
Nứt da, ngứa, viêm da quanh miệng;
Xung huyết và phù quanh cổ họng;
Suy giảm chức năng gan;
Rụng tóc;
Rối loạn sinh sản.
Thiếu hụt vitamin B2 có thể gây ra bệnh lý như sau:
Thiếu máu thiếu sắt: Thiếu vitamin B2 làm giảm sự hấp thu sắt và gây thiếu máu dẫn tới triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn. Nguyên nhân là do vitamin B2 tham gia vào quá trình sản xuất hồng cầu và vận chuyển oxy đến các tế bào.
Lão hoá da, rụng tóc: Vitamin B2 là tiền chất cần thiết để duy trì mức độ collagen đầy đủ cho cơ thể. Vì vậy, thiếu hụt riboflavin đồng nghĩa với việc giảm lượng collagen gây tăng lão hoá da và rụng tóc.
Đau nửa đầu: Vitamin B2 là tiền chất của đồng yếu tố flavin trong chuỗi dẫn truyền thần kinh. Vì vậy thiếu hụt vitamin B2 có thể là nguyên nhân dẫn tới đau nửa đầu.
Đục thuỷ tinh thể: Mặc dù thiếu vitamin B2 không phải là nguyên nhân gây đục thuỷ tinh thể nhưng bổ sung riboflavin có thể giúp cải thiện các rối loạn về mắt, tăng độ bền giác mạc và ngăn ngừa đục thuỷ tinh thể.
Tăng huyết áp: Thiếu vitamin B2 cũng có thể gây ra các bệnh tim mạch và tăng huyết áp do vitamin B2 có thể làm giảm mức homocysteine và huyết áp.
Cách bổ sung vitamin B2 hiệu quả
Nhìn chung, người khoẻ mạnh được dinh dưỡng đầy đủ hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu vitamin B2 chỉ qua thức ăn. Các trường hợp thiếu hụt vitamin B2 có thể tăng cường bổ sung riboflavin qua các loại thực phẩm sau:
Trứng;
Nội tạng động vật như gan, thận;
Thịt nạc;
Sữa ít béo;
Rau xanh: Bông cải xanh, rau bina;
Ngũ cốc bánh mì được tăng cường vitamin.
Ngoài ra, có thể bổ sung riboflavin theo đường uống dạng viên với các chế phẩm 25 mg, 50mg và 100mg hoặc đường tiêm tĩnh mạch nếu cần thiết. Nhu cầu khuyến nghị hàng ngày cho vitamin B2 như sau:
Trẻ sơ sinh 0-6 tháng tuổi: 0,3 mg;
Trẻ 7-12 tháng tuổi: 0,4 mg;
Trẻ 1-3 tuổi: 0,5 mg;
Trẻ 4-8 tuổi: 0,6 mg ;
Trẻ 9-13 tuổi: 0,9 mg;
Nam thiếu niên (14-18 tuổi): 1,3 mg;
Nữ thiếu niên (14-18 tuổi) 1,0 mg;
Nam giới: 1,3 mg;
Nữ giới: 1,4 mg;
Phụ nữ mang thai và cho con bú: 1,4- 1,6 mg.
Tóm lại, thiếu vitamin B2 có thể để lại nhiều hậu quả đối với sức khoẻ như thiếu máu, tăng huyết áp, lão hoá sớm, đục thuỷ tinh thể. Vì vậy, việc bổ sung vitamin B2 chủ yếu qua chế độ dinh dưỡng hoặc các sản phẩm bổ sung theo khuyến cáo về nhu cầu riboflavin hàng ngày là cần thiết. Ngày nay, bạn có thể cân nhắc sử dụng thêm các thực thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa thành phần tổ hợp vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6, B12) và vitamin E được chiết xuất từ nấm tùng nhung để hỗ trợ chức năng các enzyme chuyển hóa năng lượng, dưỡng da đẹp hậu giảm cân và cân bằng hormone nội tiết,… Từ đó chăm sóc và bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất.