Nhiều người gặp tình trạng thức giấc vào ban đêm và khó để quay lại giấc ngủ. Đây là một vấn đề rất phổ biến thường gặp nhất ở người cao tuổi. Vậy làm thế nào để ngủ không bị thức giấc?
Nguyên nhân gây mất ngủ
Mất ngủ là tình trạng không thể đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu vào ban đêm, dẫn đến giấc ngủ không sảng khoái hoặc không phục hồi. Một số người phải vật lộn để đi vào giấc ngủ bất kể họ mệt mỏi như thế nào. Những người khác thức dậy vào giữa đêm và trằn trọc hàng giờ đồng hồ có khi đến gần sáng. Tuy nhiên, vì mỗi người khác nhau cần thời gian ngủ khác nhau, nên chứng mất ngủ được xác định bởi chất lượng giấc ngủ của bạn và cảm giác sau khi ngủ chứ không phải số giờ bạn ngủ. Ngay cả khi bạn dành 8 tiếng mỗi đêm trên giường, nếu vẫn cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi vào ban ngày, có thể bạn đang bị mất ngủ.
Một số nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ, ngủ không ngon giấc như:
Lo lắng, căng thẳng và trầm cảm là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng mất ngủ. Khó ngủ cũng có thể làm cho các triệu chứng lo lắng, căng thẳng và trầm cảm trở nên tồi tệ hơn. Điều trị những vấn đề cơ bản này là điều cần thiết để giải quyết chứng mất ngủ.
Vấn đề y tế hoặc bệnh tật: Nhiều bệnh và tình trạng y tế có thể góp phần gây ra chứng mất ngủ, bao gồm hen suyễn, dị ứng, cường giáp, trào ngược axit, bệnh Parkinson, bệnh thận và ung thư.
Thuốc men: Nhiều loại thuốc kê đơn có thể cản trở giấc ngủ, bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị chứng tăng động giảm chú ý, corticosteroid, hormone tuyến giáp, thuốc tăng huyết áp và một số biện pháp tránh thai. Các thuốc không kê đơn gây mất ngủ bao gồm thuốc cảm lạnh và cúm có chứa cồn, thuốc giảm đau có chứa cafein, thuốc lợi tiểu và thuốc giảm béo.
Rối loạn giấc ngủ: Mất ngủ bản thân nó là một chứng rối loạn giấc ngủ, nhưng cũng có thể là triệu chứng của các chứng rối loạn giấc ngủ khác, bao gồm chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên và rối loạn nhịp sinh học do đi máy bay trễ hoặc làm việc ca đêm.
Vệ sinh giấc ngủ không phù hợp: Giấc ngủ chịu ảnh hưởng bởi một số hành vi nhất định như sử dụng caffein, các chất kích thích, tập luyện hoặc hưng phấn quá mức. Lịch ngủ không đều đặn.
Cách ngủ ngon không thức giấc liên tục
Làm thế nào để ngủ không bị thức giấc là mối quan tâm của không ít người. Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, hay thử các cách dưới đây:
Đảm bảo phòng ngủ đủ tối, yên tĩnh và mát mẻ. Tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt độ phòng quá nóng hoặc lạnh, nệm hoặc gối không êm ái đều có thể cản trở giấc ngủ. Hãy thử sử dụng máy tạo âm thanh hoặc nút bịt tai để che tiếng ồn bên ngoài, mở cửa sổ hoặc quạt để giữ cho căn phòng mát mẻ và rèm chắn sáng hoặc mặt nạ che mắt để chặn ánh sáng. Thử nghiệm với các mức độ cứng khác nhau của đệm, lớp đệm xốp và gối để hỗ trợ bạn cần có giấc ngủ thoải mái.
Theo một lịch trình ngủ đều đặn: Hỗ trợ đồng hồ sinh học của bạn bằng cách đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Thức dậy vào thời gian bình thường vào buổi sáng ngay cả khi bạn mệt mỏi.
Không dùng thiết bị điện tử ít nhất một giờ trước khi đi ngủ. Màn hình điện tử phát ra ánh sáng xanh làm gián đoạn quá trình sản xuất melatonin của cơ thể và chống lại cơn buồn ngủ. Vì vậy, thay vì xem TV hoặc dành thời gian trên điện thoại, máy tính bảng hoặc máy tính, hãy chọn một hoạt động thư giãn khác, chẳng hạn như đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ. Đây là cách ngủ ngon không bị thức giấc mà nhiều người áp dụng hiệu quả.
Tránh các hoạt động gây kích thích và các suy nghĩ căng thẳng trước khi đi ngủ. Điều này bao gồm việc kiểm tra tin nhắn trên mạng xã hội, các cuộc thảo luận hoặc tranh luận lớn với vợ/chồng hoặc gia đình hay áp lực công việc.
Tránh ngủ trưa nhiều: Ngủ trưa vào ban ngày có thể khiến bạn khó ngủ hơn vào ban đêm. Nếu bạn cảm thấy cần phải chợp mắt, nghỉ ngơi vào buổi trưa, hãy giới hạn thời gian nghỉ trưa trong 30 phút và nên ngủ dậy trước 3 giờ chiều.
Những điều nên tránh trước khi ngủ:
Cách để ngủ ngon không bị thức giấc là không uống quá nhiều chất lỏng. Không uống bất cứ thứ gì một giờ trước khi ngủ và đi vệ sinh nhiều lần khi chuẩn bị đi ngủ giúp giảm tần suất thức giấc để đi vệ sinh trong đêm.
Rượu bia: Mặc dù uống bia có thể giúp bạn thư giãn và chìm vào giấc ngủ, nhưng sẽ cản trở chu kỳ giấc ngủ của bạn, khiến bạn thức giấc trong đêm.
Ăn tối quá nhiều: Cố gắng ăn tối sớm hơn vào buổi tối và tránh các thức ăn nặng, giàu chất béo trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ. Thực phẩm cay hoặc có tính axit có thể gây ra các vấn đề về dạ dày và chứng ợ nóng có thể đánh thức bạn trong đêm.
Caffein: Học viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ khuyên bạn nên ngừng uống đồ uống chứa caffein ít nhất sáu giờ trước khi đi ngủ. Những người nhạy cảm với caffein có thể cần phải dừng việc dùng đồ uống có caffein sớm hơn.
Một giấc ngủ ngon không chỉ giúp bạn có được sức khỏe tốt mà còn giúp tinh thần tỉnh táo, hạn chế những mệt mỏi, căng thẳng trong cuộc sống. Do đó, nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện dấu hiệu của mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc bạn nên can thiệp sớm để có được giấc ngủ chất lượng nhất.