Theo thống kê của Cục TDTT, gần 60% dân số Việt Nam từ 18 tuổi có sử dụng TPBS. Ở nông thôn, mỗi người sử dụng 2-4 loại TPBS còn con số này ở thành phố là 4-6 loại. Thậm chí, mức sử dụng còn nhiều hơn ở người trung niên và cao tuổi. Trong khi đó, hầu hết các VĐV đỉnh cao đều sử dụng khoảng 3-5 loại mỗi ngày.
Một số loại TPBS có tác dụng giúp nâng cao thành tích thi đấu, tăng chuyển hóa và miễn dịch, rút ngắn thời gian phục hồi cũng như phòng chống một số bệnh mạn tính, cấp tính có thể xảy ra với VĐV. Dù vậy, nhiều loại vẫn chưa rõ tác dụng về mặt khoa học, cần được nghiên cứu để có đủ bằng chứng tác dụng.
Việc các VĐV sử dụng không đúng về chủng loại, liều lượng, chất lượng... đã dẫn đến những hậu quả không tốt và hơn hết là bị nhiễm chất cấm (doping). Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng TPBS của các cơ quan chức năng còn nhiều vấn đề bất cập, dẫn đến tràn các TPBS ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt chia sẻ: “Ở góc độ quản lý nhà nước, ngành thể thao đang từng bước triển khai và phân tách rõ những gì trong TPBS vào trong bữa ăn hàng ngày của VĐV, từ đó nắm bắt VĐV đang cần hỗ trợ, bổ sung những gì để nâng cao thể lực, góp phần có được tinh thần thoải mái để có được phong độ thi đấu tốt nhất”.
Hội thảo chỉ ra những vấn đề đáng tiếc mà các VĐV Việt Nam gặp phải vì sử dụng các TPCN, TPBS không đúng cách
Ông Đặng Hà Việt cũng cho biết thêm, sau hội thảo, các trung tâm huấn luyện sẽ phối hợp với các chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng khẩu phần ăn khoa học cho các VĐV nhằm nâng cao thành tích. Thể thao Việt Nam cũng sẽ xây dựng quy trình để sử dụng thực phẩm bổ sung cho VĐV thuộc các đội tuyển quốc gia.
Trong khi đó, TPCN cũng được các VĐV dùng nhiều trong thời gian gần đây. Ông Đặng Hà Việt chỉ rõ đây là vấn về mà thể thao Việt Nam đang phải đối diện. Các VĐV tự ý dùng và giấu việc dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng trong khi các sản phẩm này bán tràn lan trên thị trường. Vì vậy đã dẫn đến những án phạt rất đáng tiếc.
Đối với những VĐV đỉnh cao đang tập luyện tại các đội tuyển quốc gia, đặc biệt là những VĐV hướng đến đấu trường ASIAD và Olympic thì yếu tố dinh dưỡng trước, trong và sau bữa ăn là rất quan trọng. Vì vậy, các TPBS lẫn TPCN nếu muốn sử dụng phải được thông báo, kiểm tra kỹ càng.
Các trung tâm huấn luyện thể thao sẽ phối hợp với chuyên gia dinh dưỡng để tư vấn cho các VĐV những lựa chọn tốt nhất.
Đến dự hội thảo còn có Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương. Ông mong rằng các VĐV phải đặc biệt lưu tâm khi sử dụng các TPCN cũng như TPBS. Ông trình bày quan điểm: “Trong vài năm trở lại đây, thể thao Việt Nam phát hiện một số trường hợp VĐV dương tính với chất cấm (chất doping). Đây là vấn đề cấp thiết mà ngành TDTT cần có giải pháp khắc phục triệt để. Chúng ta thấy nổi lên vấn đề do thiếu hiểu biết về các chất doping và nguy hại hơn là các VĐV tự ý mua các thực phẩm chức năng trôi nổi trên thị trường mà chưa được phép của bác sĩ, HLV và các trung tâm huấn luyện thể thao.
Bên cạnh lợi ích của TPBS nhằm tăng cường thành tích thể thao thì nguy cơ vi phạm sử dụng các chất cấm không hề nhỏ. Vì vậy, phải hết sức lưu ý và không để xảy ra những vấn đề đáng tiếc”.
Yangmiwa đồng hành tổ chức hội thảo cũng như các chuyên gia của Yangmiwa đã đóng góp các nghiên cứu về NMN và phác đồ dinh dưỡng trong báo cáo tại hội thảo...
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt (giữa) phát biểu tại hội thảo.